Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Giới thiệu cây dừa nước

Cây dừa nước

Đọc những trang của Đoàn Giỏi, của Sơn Nam viết về miền đất phương Nam, ta có thể nhận thấy một điều: Cây dừa nước là hình ảnh gắn bó thân thiết nhất với người dân miệt sông nước miền Tây Nam bộ, gần như song song với cây dừa mà chúng ta vẫn uống nước hàng ngày.

Dừa nước, mọc ven sông, rạch bờ mương, chỗ nào có nước là ta có thể trồng... dừa nước, kể cả vùng đất phèn, đất lợ, chỉ có một điều là nó không phát triển tốt, sum suê như trồng ven sông, rạch nước ngọt. Không rõ tự bao giờ, dân ta đã biết khai thác sản phẩm từ cây dừa nước? Lá dừa nước dùng để... lợp nhà, điều đó ai cũng biết. Nhưng lá lợp nhà cũng có nhiều loại, mỗi loại lại có một giá trị khác nhau về kinh tế, độ bền lá dừa nước để nguyên tàu, xé ra làm đôi theo chiều dọc gọi là "lá xé" lợp nhà thì tuyệt vời. Nếu lợp dầy, khít có thể cầm cự được với nắng mưa tới 9, 10 năm. Còn lợp thưa thì tệ lắm cũng phải 5,6 năm - với điều kiện là không có con chuột nào làm ổ trên nóc nhà, và không có những chú "rắn rồng" chuyên tìm bắt chuột - làm cho nóc nhà của ta bị tơi tả, rách nát và xuống cấp trầm trọng. Còn lại một kiểu lá nữa, gọi là lá "cần đốp" (?) hay lá "chằm cốp"(?) không biết tên gọi nào đúng, loại lá này người ta phải róc rời từng tàu lá dừa nước, phơi cho dôn dốt nắng, bẻ gập miếng lá theo quy cách 2/3 cặp vào 'sống' lá mà chằm cho kết dính lại."Sống" lá - cũng bằng thân cây dừa nước - dài ngắn tùy theo "lá hàng"hay "lá đặt". 

Lá hàng thì người ta làm sơ sài, khoảng cách giữa hai miếng lá hơi thưa, nhưng cũng khá bền, chiều dài tấm lá chỉ khoảng từ 0,8 đến 1 mét, dài lắm là 1,2 mét. Lá đặt thì khác, người ta chằm kỹ hơn, khoảng cách giữa hai miếng lá khít hơn, sống lá cũng dài hơn-chủ yếu là do người đặt muốn dài bao nhiêu. Có khi tấm lá chằm có chiều dài tới... hai mét. Còn thì 1,8 mét, 1,6 mét là thường gặp ở loại lá nầy. Lợp nhà phải có "lạt" buộc, "lạt" cũng làm từ phần dưới thân cây dừa nước mà dân gian quen gọi là "bập dừa", lạt dừa được chẻ ra từ đây (có nơi người ta lợp nhà bằng lạt tre) nhưng thường thì muốn cho "đồng thanh, đồng thủ" người ta thường lợp nhà bằng lạt dừa, gọi là có tình, có nghĩa. Lạt dừa, trước khi xỏ, lợp phải được chuốt nhọn một đầu, đem thui trên lửa cho cứng, phần còn lại đem nhúng vào nước cho dai, không bị gãy khi cột. 

Lợp nhà bằng kiểu lá nào cũng phải dùng tới lạt dừa, nói như thế để cho ta thấy rằng cây dừa nước không bị chê một bộ phận nào. Còn cây dừa nước non, nhọn hoắc gọi là 'cà bắp' cũng có công dụng lắm, ngày trước nghe nói khi khẩn hoang, lập ấp, cá sấu vùng Bình Ninh, quê tôi (chỗ bến đò sông Cái) nhiều vô số kể. Nhất là cá sấu hoa cà, người ta dùng "cà bắp" để đâm vào thân thể cá sấu thì cá sấu bị khống chế ngay. Càng vùng vẫy, 'cà bắp' càng ăn sâu hơn. Có một bài thuốc Nam nói rằng "Ăn thịt con cá sấu, lấy cọng dừa nước xỉa răng phù mặt chết" không biết có đúng không? Đã có ai đã thử chưa chứ tôi...chưa dám thử. Trái dừa nước cũng làm nên lắm chuyện, cơm dừa nước nấu chè, làm dừa đá ăn cũng ngon không kém gì vải thiều hay dừa nạo, dừa Xiêm đâu nhé. Còn bập dừa nước là phương tiện cho tuổi nhỏ tập bơi, tập lội, mỗi chiều khi bìm bịp kêu nước lớn đầy sông, mỗi đứa ôm một cái bập dừa vùng vẫy, quậy nước đùng đùng vui vô kể. Ngày xưa, mỗi khi đi đò về quê nhìn hai bên bờ sông là những rừng dừa nước, chen lẫn với những cây bần ổi sum suê, xanh mướt và khi nhìn thấy rặng dừa nước quen thuộc hiện ra trên bến sông là lòng tôi thấy bồi hồi, xao xuyến vì đã tới nhà rồi, đứng đón tôi trên bến sông là ngoại tôi với cây gậy trúc đỡ tấm thân gầy và mái tóc bạc phơ màu hoa bần trắng.

Xã hội đã tiến triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, đời sống người dân vùng sông nước miền Tây cũng được nâng cao, người dân đã lợp nhà bằng "Fibbro-ciment", bằng 'tole', có người xây nhà đúc hai, ba tầng thậm chí xây nhà theo kiểu biệt thự hay cung đình với những kiến trúc vẽ từ bên...Tây. (Kiểu nhà này mấy ông Tây khoái lắm đây, vì đi qua Việt Nam, nhìn thấy kiến trúc nhà ở của Việt Nam cũng giống nhưưưư bên nhà, ít ra cũng đỡ chạnh lòng nhớ mẫu quốc) Bây giờ, ít-hoặc không còn ai - lợp nhà bằng lá dừa nước nữa, những "hàng dừa nước lung linh ru mình trong nắng mới" (lời bài ca cổ "Dòng sông quê em") cứ xác xơ theo từng đợt sóng vỗ bờ của các loại ghe, tàu. Thi thoảng mới gặp những mái lá nhô lên từ những rặng cây mắm, cây bần của những người dân nghèo sống dọc ven sông. Và nếu ai có dịp về thăm vùng đất Mũi - Năm Căn sẽ thấy chạnh lòng hơn với những mái nhà lá mục nát, xập xệ, càng nghe lòng quặn thắt hơn với câu thơ:

"Tuyết sương đất khách đã nhiều,
Nhớ sao sợi khói lam chiều yêu thương!"


Những sợi khói lam chiều không bao giờ vương vấn trên những căn nhà lợp "tole", lợp "fibbro-ciment" hay nhà lầu đúc ba, bốn tầng đâu. Khói lam chiều chỉ vấn vương trên mái rạ, mái tranh, mái lá... nó chui ra từ những khe hở của những mái nhà đã quá xập xệ, len lỏi thoát ra và phiêu diêu, lãng đãng trên mái nhà. Những ai xa quê, có nhớ sợi khói lam chiều len qua mái lá thì hãy mau quay về mà ngắm nhìn đi. Cây dừa nước ngày càng mất đi vị thế của nó, và hàng dừa nước ven sông, nơi tuổi thơ hồn nhiên đi chặt từng quày dừa nước đem về cho mẹ nấu chè, ôm bập dừa nước vẫy vùng tập bơi, tập lội có lẽ mai sau chỉ còn trong...quá khứ. Thương lắm những cây dừa nước của vùng quê ven sông quê bạn, quê tôi và quê của tất cả mọi người.

Sưu tầm từ Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét