Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Thương sao dừa nước quê nghèo

 Miền Tây nổi tiếng kênh rạch chằng chịt, khi bạn ra khỏi các trung tâm thành phố thì giao thông chính là ghe xuồng lớn nhỏ đủ loại trên cái hệ thống kênh rạch chằng chịt ấy. Hai bên bờ, cây mắm, cây bần mọc dày đặc, xanh mướt, nhưng nhiều nhất vẫn là cây dừa nước với hàng hàng tàu lá dài cong vút vươn ra giữa lòng kênh rạch, gần như che khuất ánh nắng mặt trời. 

Nếu như ở thành thị, đường nào cũng có bảng tên, ai “lù đù” không biết đường đi thì cứ nhìn theo bảng tên đường “đi sao về vậy,” không sợ bị lạc; còn kiểu giao thông đường thủy này đã không có bảng tên đường, mà cũng hiếm thấy có vật gì để nhận dạng, hai bên toàn thấy bãi bùn với dừa nước xanh um. Chúng tôi đã một lần “đi lạc” giữa rừng dừa nước này, đoạn đường người ta đi ba mươi phút tới, chúng tôi phải mất cả ngày mà hổng biết lối ra.

Vậy mà người dân địa phương họ quen, họ ngồi đàng sau chiếc xuồng ba lá giựt máy đuôi tôm cho xuồng chạy ào ào, biết trước đến đoạn nào thì có ngã ba, ngã tư, đoạn nào thì quẹo trái hay quẹo phải nên cứ cho xuồng lao đi vun vút.

Gọi là dừa nước vì cây có lá giống như cây dừa mọc trên đất liền, khác ở chỗ nó không có thân gỗ cao và chỉ mọc được dưới nước. Dừa nước được trồng ven sông, rạch, bờ mương, nó không kỵ nước phèn, nước lợ, nhưng nếu gặp nơi ven sông rạch nước ngọt thì nó phát triển tốt hơn, tàu lá dài và bự hơn. Vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn Mê-Kông đổ xuống nên nước ngọt. Do đó, lá dừa nước thu hoạch trong mùa mưa xanh tốt và dài hơn mùa nắng. Người ta trồng dừa nước bằng trái dừa nước già, chỉ cần cắm nó xuống đất bùn sền sệt, khoảng một tuần sau nó mọc thành cây dừa con ngay.
Lá dừa nước có rất nhiều công dụng. Trước hết, là dùng để lợp nhà. Lá loại tốt chiều dài tàu lá từ hai thước đến ba thước. Lá đốn (chặt) về để nguyên tàu, chẻ làm hai theo chiều dài từ gốc đến ngọn rồi úp hai mặt lá vô với nhau theo kiểu âm dương (lá xé). Một cặp lá âm dương như vậy kêu là một đôi lá. Người ta đem xếp hàng từng đôi lá sắp khít vào nhau chất lên ghe chở đi rao bán cho những ai cần cất nhà lá.
Lá bán được tính bằng “trăm,” tức là một trăm đôi như vậy tính chẵn bao nhiêu tiền, không ai bán hay mua lá lẻ bao giờ, mỗi lần mua ít nhất cũng một trăm lá. Người mua đem lá về cũng sắp hàng ra sân phơi cho lá khô thành màu nâu sáng, sống lá màu nâu đen (lá vẫn còn độ mướt mềm, chớ không khô cong), thì có thể dùng để lợp nhà được rồi. Người ta không lợp nhà bằng lá còn xanh, khi khô lá co lại sẽ tạo những khoảng trống trên mái nhà làm cho nhà bị dột, cũng không lợp nhà bằng lá quá khô, lá dễ bị gãy tạo lỗ hổng cũng làm nhà dột luôn. Lá vừa khô, vừa mềm, vừa dai là tốt nhất.
Cất một căn nhà cỡ 80m2, vừa lợp mái, vừa làm vách, làm cửa xung quanh, coi như cái nhà ngoài khung gỗ ra thì toàn bộ trên dưới trong ngoài đều dùng lá hết thì phải tốn ít nhất là một thiên lá (thiên là một ngàn, mười trăm lá). Lợp mái dày, dừng vách dày cho lá lâu hư thì tốn phải từ một thiên rưỡi lá trở lên, nhưng thời gian sử dụng có thể lên đến mười năm mới phải thay lá mới.
Người ta có thể dựng nhà lá trên nền đất sét nện hay nền xi măng, nền lót gạch đều được, miễn sao nền cao ráo không làm chân lá mục là tốt. Mùa mưa lá giữ cho không khí trong nhà ấm áp, mùa nắng nóng đến mấy sức nóng cũng khó xuyên qua nổi lớp lá dày khoảng một gang tay, nên ở nhà lá mùa nắng rất mát một cách “thiên nhiên” không cần máy lạnh.
Cái gốc phía dưới tàu lá kêu là “bập dừa,” dài khoảng bảy tám tấc, bự bằng bắp đùi người lớn, xốp và nhẹ, nổi trên mặt nước. Hồi nhỏ, tôi hay ôm cái bập dừa này lội bì bõm dưới sông suốt ngày. Người ta dùng cây mác bén chẻ bập dừa thành sợi mỏng dùng làm lạt buộc (“lạt mềm buộc chặt”). Mỗi sợi lạt đều phải có một miếng vỏ ngoài bập dừa thì lạt mới dai, không đứt, chẻ xong còn cái ruột bập dừa trắng phếu đem phơi khô làm củi. Lạt dừa dùng để cột lá vào cây đòn tay khi lợp nhà hay dừng vách. Người ta cũng dùng dây lạt dừa này như một loại dây thiên nhiên cột đủ thứ tùy ý.

Tôi cũng từng học đòi lợp nhà rồi, cũng không khó lắm. Cứ sắp từng cặp lá lên nằm trên cây đòn tay, xỏ cọng lạt dừa vô, ngoáy lại rồi kéo dầu dây ép cho nó kẹt xuống phía dưới tàu lá để không bị bung ra là xong, rồi cặp lá kế tiếp cũng làm như vậy cho đến hết chiều ngang mái nhà thì lợp úp thêm chừng vài cặp lá theo chiều ngược lại. Lợp nhà từ dưới lên trên, hết lớp này đến lớp khác, phần nóc nhà làm sau chót khi đã hoàn thành hết hai mái và chụm hai mí đầu lá với nhau, gọi là “thốc nóc.” Thốc nóc nhà phải rất kỹ lưỡng, chọn lá thật tốt, thật dày, bẻ gập làm hai phần úp xuống cột chặt và cột ép thêm cây tre dài theo chiều ngang mái nhà thật chắc thì nhà mới không bị dột.
Cây dừa nước khi già cũng cho trái màu nâu vàng, hình thoi, mọc thành từng “quày” nặng trĩu. Muốn ăn dừa nước phải chọn quày vừa ăn, cơm dừa đủ dày mà không cứng quá. Quày dừa màu càng nâu đậm thì dừa càng non. Cầm cái cuống quày dừa bằng hai tay, vung lên khỏi đầu rồi đập bụp một phát xuống nền đất cứng, từng trái dừa rụng văng ra khỏi cùi, nhặt lại lấy dao chẻ trái dừa nước ra làm đôi sẽ thấy cơm dừa bên trong màu trắng đục giống như cơm nhãn, nhưng cơm dừa dày hơn, dẻo và giòn, hơi ngọt dịu chớ không ngọt nhiều như cơm nhãn. Dùng muỗng nạo lấy cơm dừa cho vào thau, rửa sạch rồi trộn thêm nước đá, đường cát vào. Chừng ba mươi phút phút sau đem ra thưởng thức một món giải khát dân dã tuyệt vời, không bao giờ sợ bị ngộ độc thực phẩm.

Người ta cũng có thể dùng cơm dừa nước nấu chè nước cốt dừa (dừa này là dừa trên cạn) với bột báng, bộ khoai và đường thốt nốt, ăn vừa mát vừa ngọt lịm, thơm lừng. Vỏ của trái dừa nước đổ ra sân phơi vài nắng, khi khô dùng làm củi chụm, làm bếp un chống muỗi rất tốt.

Ở quê tôi, nhà nghèo mới ở nhà lá, nhà giàu người ta xây nhà tường, lầu đúc. Vì vậy mới có câu “xóm nhà lá” để ám chỉ tình trạng lung tung, lộn xộn, mất trật tự hay nghèo khó. Trong lớp học mà có một nhóm nào đó không nghe giảng, lo nói chuyện ồn ào thì giáo viên hay nói: “Cái xóm nhà lá dưới đó im đi nghe.”
Ai đã từng nghe ca sĩ Phương Dung hát
  • “Khói lam chiều vương nơi nơi
  • Khói lam chiều gieo đơn côi
  • Đưa người tha phương vào trong lãng quên…”
chính là khói bếp chui ra từ những căn nhà lụp xụp mái lợp lá, chủ nhà chụm củi mỗi lần nấu ăn, khói chui qua những khe hở từ mái lá len lỏi bay lên, phiêu diêu, lãng đãng trên mái nhà mỗi buổi chiều tà. Khói lam chiều không bao giờ vương vấn trên những mái nhà đúc bê-tông ba bốn tầng sang trọng chuyên dùng bếp gas hay lò vi sóng.
Mỗi lần tôi về vùng nông thôn miền Tây, ngồi trên xuồng đi dọc theo kênh rạch, xa xa lác đác dưới rặng dừa, rặng mắm, rặng bần là những mái nhà lá thấp lè tè, xập xệ, bất chợt lòng tôi lại thấy xuyến xao, quặn thắt cho những mảnh đời nắng táp mưa sa gắn chặt vào cây dừa nước quê nghèo.
“Tuyết sương đất khách đã nhiều 
Nhớ sao sợi khói lam chiều yêu thương!” 
(Tạ Phong Tần)

Sản xuất đường từ cây dừa nước

Cây dừa nước có tên khoa học là Nypa Fruticans Wurmb, nguồn gốc nhiệt đới, được bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng từ lâu để lấy quả uống nước hay ép đường.
Tại ĐBSCL, dừa nước mọc thành bụi, thân ngầm, chỉ có lá mọc thẳng vươn cao thành rừng, rất thích hợp với vùng đầm lầy, kênh rạch. Đặc biệt là dừa nước có khả năng chịu mặn tốt hơn các loại dừa thông thường trồng để lấy quả uống nước hay ép dầu. Bởi vậy dừa nước thường được trồng hoặc mọc tự nhiên khắp các bờ sông, rạch để ngăn sóng, chống lở đất, chống xói mòn rất phổ biến...
Có thể nói ở khắp các tỉnh ĐBSCL, đi đâu cũng gặp dừa nước. Trong kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ cứu nước, các rừng dừa nước chính là nơi an toàn kín đáo để che giấu quân đội hay du kích, giống như rừng núi ở Việt Bắc đã đi vào thơ của Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, dù rừng núi miền Nam đã bị quân đội Mỹ rải chất độc làm rụng lá cây, nhiều khu rừng cây bị khô, chết hàng loạt, nhưng rừng dừa nước vẫn hiên ngang giữa trời đất để che chở cho bộ đội ta ngày đêm làm cứ điểm tấn công kẻ địch.
San xuat duong tu cay dua nuoc - Anh 1
Cây dừa nước
Ngoài những lợi ích như vậy, lá và cọng dừa nước cùng với lá và cọng dừa trồng trên cạn là nguồn lợi chính để lợp nhà, làm vách che mưa, che nắng cho hàng triệu hộ dân ở các tỉnh miền Nam.
Ngày nay, đất nước đã an bình, dừa nước vẫn tiếp tục đóng góp vai trò to lớn là vừa làm tấm lợp vừa giữ cho môi trường sinh thái được trong lành. Sau ngày hòa bình được lập lại, để khôi phục và phát triển kinh tế nên phong trào khai hoang phục hóa đã phát triển mạnh. Nhiều cánh rừng tràm và rừng cây gỗ quý đã bị phá để có đất trồng lúa, trồng màu. Diện tích che phủ đã giảm rất đáng kể.
Để đối phó với tình trạng biến đổi khi hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt, Nhà nước đã có chủ trương khôi phục lại rừng, lấy cây dừa nước làm điểm tựa. Vì rừng dừa nước không tranh chấp với đất nông nghiệp, chỉ trồng dọc bờ sông, bờ kênh, rạch, các cửa sông, bãi biển. Ước tính diện tích dùng để trồng dừa nước trên những vùng sinh thái như vậy có đến hàng triệu ha.
Dừa nước lại chịu mặn tốt. Trong luận văn tiến sỹ của Lê Thị Thanh Thủy, cho thấy dừa nước có thể chịu độ mặn của nước biển như ở Trần Đề (Sóc Trăng) có độ mặn đến 2,1 phần nghìn. Trong kết quả nghiên cứu của Thanh Thủy cho thấy, dừa nước có thể được khai thác để chế biến đường như cây thốt nốt ở Campuchia.
Khai thác đường mà không phải chặt cây như với cây mía hay củ cải đường. Chỉ khai thác nhựa của hoa dừa nước, tháng sau, mùa sau hoa mới lại sinh ra. Thu nhựa và chưng thành đường sẽ được nguồn lợi đường rất lớn dùng để làm nước giải khát hay đường bánh, đường thỏi để dùng nấu chè hoặc chế biến các mòn ăn khác rất thuận tiện, giảm được lượng đường mía dành cho xuất khẩu.
Nghiên cứu của Thanh Thủy cho thấy cây dừa nước trồng trong tự nhiên có thể ra hoa quanh năm. Nhưng trên đất mặn cây ra hoa tập trung từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, trên đất ngọt cây ra hoa tập trung từ tháng 1 đến tháng 4. Tỷ lệ ra hoa trên vùng đất mặn đạt đến 72%, trên vùng nước lợ tỷ lệ ra hoa đạt 68%. Còn trên vùng đất ngọt tỷ lệ ra hoa có thấp hơn, khoảng 60%.
Điều này chứng tỏ rằng dừa nước có ưu thế hơn nhiều loại cây trồng khác, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay cấn hơn, nước mặn ngày một dâng cao và tiến sâu vào đất liền. Nếu có rừng dừa nước án ngữ ở tầng ngoài thì được coi như một lớp giấy lọc ngăn bớt một phần muối từ biển đưa vào đồng ruộng.
San xuat duong tu cay dua nuoc - Anh 2
Ngoài ra, có một nguồn lợi từ dừa nước mà từ trước đến nay ít ai nghĩ đến, đó là nguồn lợi về đường. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đường chứa trong nhựa hoa dừa nước chiếm đến 17%, trong lúc đường mía hiện nay chỉ ở mức trung bình khoảng 10%. Thu hoạch nhựa hoa dừa nước cũng không quá phức tạp so với hoạt động của từng hộ. Sau khi hoa nở khoảng 5 - 7 tháng người ta cắt hoa và dùng túi nhựa buộc vào cuống hoa để hứng nhựa.
Nhưng để có sản lượng nhựa cao thì cần áp dụng một số kỹ thuật đơn giản như sau khi hoa nở dùng tay uốn cuống hoa cho cong, uốn khoảng 12 lần. Khi hoa được khoảng 4,5 - 6 tháng dùng chày gỗ quấn vải, gõ nhẹ vào dọc cuống hoa, làm như vậy 1 ngày 3 lần, tiếp tục 5 - 7 tuần. Sau đó cắt bỏ hoa, dùng túi nhựa buộc vào cuống hoa để hứng nhựa giống như hứng nhựa cây thốt nốt. Nhựa thu được đem về nấu thành đường. Công nghệ này Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ) đã được cấp bản quyền.
Từ kết quả nghiên cứu sản xuất thử, tác giả Thanh Thủy đã cho biết cứ một công 1.000m2 có 250 bụi dừa nước, lấy tỷ lệ ra hoa là 50% thì cũng được 125 buồng hoa đạt tiêu chuẩn thu nhựa, mỗi buồng hoa thu được 58 lít nhựa, ta có 6.875 lít nhựa hoa trên 1.000m2, sản xuất được 1.058kg đường chảy. Nếu giá bán là 15.000 đồng/kg đường chảy thì thu được 15.870.000 đồng. Sau khi trừ tổng chi phí khoảng 7.560.000 đồng còn lời được 8.310.000 đồng/1.000m2 đất bờ sông.
Nguồn lợi này mở ra một hướng để nhà nhà có thể trở thành một xưởng thủ công sản xuất đường dừa nước, mở ra khả năng sống chung với biền đổi khí hậu, nước mặn dâng cao mà không lo đến cuộc sống bị xáo trộn.
GS Mai Văn Quyền (baomoi.com)

Lạ lùng trái dừa nước miền Tây

Dừa nước là thứ quả lạ chỉ có ở miền Tây sông nước. Chắc chắn trong lần đầu “chạm mặt”, bạn sẽ không nghĩ đây là loại quả ăn được. Thậm chí còn chẳng thể liên tưởng dừa nước với dừa thông thường dù chúng là “họ hàng” với nhau.

Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 1Hàng dừa nước xanh bạt ngàn ở miền Tây. Ảnh: hachi8/thanhnien
Người miền Tây không lạ gì trái dừa nước bởi nó mọc dày đặc ở vùng đất cửa sông ven biển, các rạch miền sông nước Cửu Long hay khu vực có hệ sinh thái bán ngập mặn. Bạn dễ dàng thấy những rừng dừa nước bạt ngàn, xanh mướt khi đi từ vùng cửa biển Cần Giờ, Gò Công tới cửa sông Tiền, sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Vàm Cỏ… Một số vùng ven sông, rạch miền Trung cũng có dừa nước nhưng người dân không mấy quan tâm. Còn ở miền Tây, dừa nước là một thứ quả đặc sản được nhiều người yêu thích, có nhiều công dụng và hữu ích trong đời sống.
Dừa nước cho quả quanh năm nhưng nhiều nhất trong 2 tháng (khoảng tháng 8 đến tháng 10). Cũng là họ nhà dừa, nhưng bề ngoài dừa nước rất khác so với dừa cạn. Có người bảo lần đầu nhìn dừa nước thấy giống bông hoa, người thì liên tưởng tới quả thông khô, thậm chí có người còn chẳng biết tả hình dáng dừa nước thế nào mà gọi là “quả cầu gai”.
Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 2
Dừa nước trông như "quả cầu gai". Ảnh: danviet
Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 3
Trái dừa nước bé hơn dừa cạn, ghép lại với nhau thành hình cầu gọi là quài dừa. Ảnh: Internet
Cũng mọc thành từng buồng sai trĩu như dừa cạn, nhưng dừa nước chọn cách kết trái độc đáo hơn. Mỗi trái dừa nước kết chặt lại, ghép với nhau thành hình cầu có đường kính 25 - 30cm, gọi là quài dừa. Một quả cầu tương đương với một buồng dừa, có đến hàng trăm trái. Trái dừa nước bé hơn dừa cạn, chỉ bằng quả trứng, màu nâu sẫm như màu đất.
Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 4
Dừa nước là loại quả riêng có ở miền Tây. Ảnh: Internet
Thân cây dừa nước mọc ngang trong lòng đất, chỉ lá và cuống hoa mọc trồi lên trên. Vậy nên nếu gọi quả dừa nước là “quả đất” cũng không sai vì đó chính là những tinh túy được kết tụ và chắt lọc từ đất mà tạo nên những trái ngọt mát lành đặc trưng của miền Tây.
Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 5
Gọi là dừa nước nhưng toàn cùi. Ảnh: Internet
Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 6
Cùi dừa màu trắng đục, mềm dẻo, vị ngọt nhẹ. Ảnh: zing
Gọi là dừa nước nhưng quả lại không có… nước, chỉ có cùi (cơm dừa) hình giống quả nhót, màu trắng đục. Trái dừa nước ngon là phải mềm dẻo, cùi chứa lượng nước vừa phải, vị ngọt nhẹ, bùi bùi, thanh mát. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn quài dừa nước là biết đã thu hoạch được chưa. Quài dừa cúi xuống nghĩa là cơm dừa đã hình thành, đến độ vừa ăn. Dừa còn non thì cùi mỏng, nhão, nhiều nước, ăn không “sướng” miệng. Dừa già thì cùi cứng, nhai bã miệng mà không có vị gì.
Lạ lùng trái dừa nước miền Tây  - 7
Dừa nước giải nhiệt tốt trong mùa hè. Ảnh: Internet
Trong những ngày hè oi nóng, cơm dừa được chế biến thành món giải khát đầy hấp dẫn. Đơn giản thì tách lấy gần chục cùi dừa pha cùng nước đường, bỏ vài viên đá, nếu thích thì thêm cùi thốt nốt giòn sừn sựt, thanh mát là bạn đã có ly nước giải khát mát lạnh, ngọt lịm giải nhiệt mùa hè. Cầu kỳ hơn, người miền Tây còn dùng cùi dừa nước để nấu chè, làm mứt dẻo, pha chế cocktail,…
Không chỉ là thứ đồ giải khát, món ăn thân thuộc của vùng quê dân dã, dừa nước cũng rất hữu ích trong đời sống của nhà nông. Lá dùng để lợp nhà che nắng che mưa, đan rổ rá. Bẹ và sống lá làm lạt buộc, bện thừng, dệt thảm hoặc phơi khô làm chất đốt. Dưới những rặng dừa nước là nguồn thu nhập, là sinh kế của người dân vì đó là thế giới của rất nhiều loài thủy sản vùng cửa sông.
Có công dụng như dừa xiêm nhưng dừa nước tính hàn, vị nhạt hơn và được dùng làm thuốc trong Đông y để điều trị một số bệnh. Dừa nước có tính ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu, tiêu sưng, tiêu độc…
Người Philippines còn biết làm dấm nguyên chất hoặc rượu tuba từ nhựa được trích từ cuống hoa dừa nước, dùng cánh hoa nở hãm trà uống. Người Malaysia biết cách làm đường dừa nước thơm ngon để xuất khẩu. Thậm chí người dân đảo Roti và Savu còn đem dừa nước làm thức ăn cho lợn để thịt ngọt hơn.
Nhắc đến miền Tây sông nước còn có những rừng dừa nước xanh phủ bạt ngàn ven biển, ven sông. Gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ miệt vườn, dừa nước ngày nay là đặc sản dân dã của một vùng quê mộc mạc, yên bình mà ai từng một lần thưởng thức cũng thòm thèm mỗi khi muốn một ly nước mát ngày hè.
Phương Nga (timeoutvietnam)