Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Thương sao dừa nước quê nghèo

 Miền Tây nổi tiếng kênh rạch chằng chịt, khi bạn ra khỏi các trung tâm thành phố thì giao thông chính là ghe xuồng lớn nhỏ đủ loại trên cái hệ thống kênh rạch chằng chịt ấy. Hai bên bờ, cây mắm, cây bần mọc dày đặc, xanh mướt, nhưng nhiều nhất vẫn là cây dừa nước với hàng hàng tàu lá dài cong vút vươn ra giữa lòng kênh rạch, gần như che khuất ánh nắng mặt trời. 

Nếu như ở thành thị, đường nào cũng có bảng tên, ai “lù đù” không biết đường đi thì cứ nhìn theo bảng tên đường “đi sao về vậy,” không sợ bị lạc; còn kiểu giao thông đường thủy này đã không có bảng tên đường, mà cũng hiếm thấy có vật gì để nhận dạng, hai bên toàn thấy bãi bùn với dừa nước xanh um. Chúng tôi đã một lần “đi lạc” giữa rừng dừa nước này, đoạn đường người ta đi ba mươi phút tới, chúng tôi phải mất cả ngày mà hổng biết lối ra.

Vậy mà người dân địa phương họ quen, họ ngồi đàng sau chiếc xuồng ba lá giựt máy đuôi tôm cho xuồng chạy ào ào, biết trước đến đoạn nào thì có ngã ba, ngã tư, đoạn nào thì quẹo trái hay quẹo phải nên cứ cho xuồng lao đi vun vút.

Gọi là dừa nước vì cây có lá giống như cây dừa mọc trên đất liền, khác ở chỗ nó không có thân gỗ cao và chỉ mọc được dưới nước. Dừa nước được trồng ven sông, rạch, bờ mương, nó không kỵ nước phèn, nước lợ, nhưng nếu gặp nơi ven sông rạch nước ngọt thì nó phát triển tốt hơn, tàu lá dài và bự hơn. Vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn Mê-Kông đổ xuống nên nước ngọt. Do đó, lá dừa nước thu hoạch trong mùa mưa xanh tốt và dài hơn mùa nắng. Người ta trồng dừa nước bằng trái dừa nước già, chỉ cần cắm nó xuống đất bùn sền sệt, khoảng một tuần sau nó mọc thành cây dừa con ngay.
Lá dừa nước có rất nhiều công dụng. Trước hết, là dùng để lợp nhà. Lá loại tốt chiều dài tàu lá từ hai thước đến ba thước. Lá đốn (chặt) về để nguyên tàu, chẻ làm hai theo chiều dài từ gốc đến ngọn rồi úp hai mặt lá vô với nhau theo kiểu âm dương (lá xé). Một cặp lá âm dương như vậy kêu là một đôi lá. Người ta đem xếp hàng từng đôi lá sắp khít vào nhau chất lên ghe chở đi rao bán cho những ai cần cất nhà lá.
Lá bán được tính bằng “trăm,” tức là một trăm đôi như vậy tính chẵn bao nhiêu tiền, không ai bán hay mua lá lẻ bao giờ, mỗi lần mua ít nhất cũng một trăm lá. Người mua đem lá về cũng sắp hàng ra sân phơi cho lá khô thành màu nâu sáng, sống lá màu nâu đen (lá vẫn còn độ mướt mềm, chớ không khô cong), thì có thể dùng để lợp nhà được rồi. Người ta không lợp nhà bằng lá còn xanh, khi khô lá co lại sẽ tạo những khoảng trống trên mái nhà làm cho nhà bị dột, cũng không lợp nhà bằng lá quá khô, lá dễ bị gãy tạo lỗ hổng cũng làm nhà dột luôn. Lá vừa khô, vừa mềm, vừa dai là tốt nhất.
Cất một căn nhà cỡ 80m2, vừa lợp mái, vừa làm vách, làm cửa xung quanh, coi như cái nhà ngoài khung gỗ ra thì toàn bộ trên dưới trong ngoài đều dùng lá hết thì phải tốn ít nhất là một thiên lá (thiên là một ngàn, mười trăm lá). Lợp mái dày, dừng vách dày cho lá lâu hư thì tốn phải từ một thiên rưỡi lá trở lên, nhưng thời gian sử dụng có thể lên đến mười năm mới phải thay lá mới.
Người ta có thể dựng nhà lá trên nền đất sét nện hay nền xi măng, nền lót gạch đều được, miễn sao nền cao ráo không làm chân lá mục là tốt. Mùa mưa lá giữ cho không khí trong nhà ấm áp, mùa nắng nóng đến mấy sức nóng cũng khó xuyên qua nổi lớp lá dày khoảng một gang tay, nên ở nhà lá mùa nắng rất mát một cách “thiên nhiên” không cần máy lạnh.
Cái gốc phía dưới tàu lá kêu là “bập dừa,” dài khoảng bảy tám tấc, bự bằng bắp đùi người lớn, xốp và nhẹ, nổi trên mặt nước. Hồi nhỏ, tôi hay ôm cái bập dừa này lội bì bõm dưới sông suốt ngày. Người ta dùng cây mác bén chẻ bập dừa thành sợi mỏng dùng làm lạt buộc (“lạt mềm buộc chặt”). Mỗi sợi lạt đều phải có một miếng vỏ ngoài bập dừa thì lạt mới dai, không đứt, chẻ xong còn cái ruột bập dừa trắng phếu đem phơi khô làm củi. Lạt dừa dùng để cột lá vào cây đòn tay khi lợp nhà hay dừng vách. Người ta cũng dùng dây lạt dừa này như một loại dây thiên nhiên cột đủ thứ tùy ý.

Tôi cũng từng học đòi lợp nhà rồi, cũng không khó lắm. Cứ sắp từng cặp lá lên nằm trên cây đòn tay, xỏ cọng lạt dừa vô, ngoáy lại rồi kéo dầu dây ép cho nó kẹt xuống phía dưới tàu lá để không bị bung ra là xong, rồi cặp lá kế tiếp cũng làm như vậy cho đến hết chiều ngang mái nhà thì lợp úp thêm chừng vài cặp lá theo chiều ngược lại. Lợp nhà từ dưới lên trên, hết lớp này đến lớp khác, phần nóc nhà làm sau chót khi đã hoàn thành hết hai mái và chụm hai mí đầu lá với nhau, gọi là “thốc nóc.” Thốc nóc nhà phải rất kỹ lưỡng, chọn lá thật tốt, thật dày, bẻ gập làm hai phần úp xuống cột chặt và cột ép thêm cây tre dài theo chiều ngang mái nhà thật chắc thì nhà mới không bị dột.
Cây dừa nước khi già cũng cho trái màu nâu vàng, hình thoi, mọc thành từng “quày” nặng trĩu. Muốn ăn dừa nước phải chọn quày vừa ăn, cơm dừa đủ dày mà không cứng quá. Quày dừa màu càng nâu đậm thì dừa càng non. Cầm cái cuống quày dừa bằng hai tay, vung lên khỏi đầu rồi đập bụp một phát xuống nền đất cứng, từng trái dừa rụng văng ra khỏi cùi, nhặt lại lấy dao chẻ trái dừa nước ra làm đôi sẽ thấy cơm dừa bên trong màu trắng đục giống như cơm nhãn, nhưng cơm dừa dày hơn, dẻo và giòn, hơi ngọt dịu chớ không ngọt nhiều như cơm nhãn. Dùng muỗng nạo lấy cơm dừa cho vào thau, rửa sạch rồi trộn thêm nước đá, đường cát vào. Chừng ba mươi phút phút sau đem ra thưởng thức một món giải khát dân dã tuyệt vời, không bao giờ sợ bị ngộ độc thực phẩm.

Người ta cũng có thể dùng cơm dừa nước nấu chè nước cốt dừa (dừa này là dừa trên cạn) với bột báng, bộ khoai và đường thốt nốt, ăn vừa mát vừa ngọt lịm, thơm lừng. Vỏ của trái dừa nước đổ ra sân phơi vài nắng, khi khô dùng làm củi chụm, làm bếp un chống muỗi rất tốt.

Ở quê tôi, nhà nghèo mới ở nhà lá, nhà giàu người ta xây nhà tường, lầu đúc. Vì vậy mới có câu “xóm nhà lá” để ám chỉ tình trạng lung tung, lộn xộn, mất trật tự hay nghèo khó. Trong lớp học mà có một nhóm nào đó không nghe giảng, lo nói chuyện ồn ào thì giáo viên hay nói: “Cái xóm nhà lá dưới đó im đi nghe.”
Ai đã từng nghe ca sĩ Phương Dung hát
  • “Khói lam chiều vương nơi nơi
  • Khói lam chiều gieo đơn côi
  • Đưa người tha phương vào trong lãng quên…”
chính là khói bếp chui ra từ những căn nhà lụp xụp mái lợp lá, chủ nhà chụm củi mỗi lần nấu ăn, khói chui qua những khe hở từ mái lá len lỏi bay lên, phiêu diêu, lãng đãng trên mái nhà mỗi buổi chiều tà. Khói lam chiều không bao giờ vương vấn trên những mái nhà đúc bê-tông ba bốn tầng sang trọng chuyên dùng bếp gas hay lò vi sóng.
Mỗi lần tôi về vùng nông thôn miền Tây, ngồi trên xuồng đi dọc theo kênh rạch, xa xa lác đác dưới rặng dừa, rặng mắm, rặng bần là những mái nhà lá thấp lè tè, xập xệ, bất chợt lòng tôi lại thấy xuyến xao, quặn thắt cho những mảnh đời nắng táp mưa sa gắn chặt vào cây dừa nước quê nghèo.
“Tuyết sương đất khách đã nhiều 
Nhớ sao sợi khói lam chiều yêu thương!” 
(Tạ Phong Tần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét